Chủ động tầm soát đột quỵ để không phải “trời kêu ai nấy dạ”

Đột quỵ là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, có tỷ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chính vì vậy, đột quỵ được xem như là căn bệnh “trời kêu ai nấy dạ. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện nay, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh nếu chủ động tầm soát đột quỵ.

21-08-2023 10:44
Theo dõi trên |

Tình hình đột quỵ hiện nay như thế nào?

Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Trong đó, hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15 – 49 tuổi. Số người tử vong do đột quỵ lên tới 6,5 triệu ca/năm.

Thông tin mới nhất, theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, người Việt thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới và Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm màu đỏ đậm nhất trên bản đồ đột quỵ thế giới. Tính theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm.

Tầm soát đột quỵ là gì?

Tầm soát đột quỵ là phương pháp chẩn đoán và sàng lọc chuyên sâu bằng cách khám lâm sàng, kết hợp với các xét nghiệm hiện đại, qua phân tích của đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, bệnh nhân sẽ biết được bản thân có nguy cơ đột quỵ hay không, đột quỵ do nguyên nhân nào, qua đó có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ đột quỵ.

Tại sao phải tầm soát đột quỵ?

Đột quỵ đứng đầu về nguyên nhân gây tàn tật, đứng thứ ba về nguyên nhân tử vong sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Tỷ lệ mắc đột quỵ và tỷ lệ tử vong do đột quỵ ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, nhờ nâng cao hiểu biết cho cộng đồng cùng với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật trong y khoa, đột quỵ có thể dự phòng được. Để dự phòng đột quỵ, các chuyên gia khuyến khích mọi người, đặc biệt là người trên 45 tuổi, nên tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ.

Tầm soát yếu tố nguy cơ đột quỵ tập trung vào các nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như: rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp; các bệnh lý tim mạch như bệnh van tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim; các bệnh lý mạch máu não như hẹp xơ vữa động mạch cung cấp máu cho não và các dị dạng mạch máu não.

Sau khi tầm soát, bạn sẽ được các bác sĩ chuyên khoa đưa ra các lời khuyên, phương pháp điều trị để có thể thay đổi được các yếu tố nguy cơ này và lên kế hoạch theo dõi để có thể hạn chế tối đa những nguy cơ của bạn có thể dẫn đến đột quỵ.

Xem thêm: Tầm soát đột quỵ ngày nay khó hay dễ?

Nhóm người nào cần tầm soát đột quỵ?

Người từng bị đột quỵ được xem là đối tượng hàng đầu nên tầm soát đột quỵ. Tuy nhiên có những quan điểm hết sức sai lầm, khi cho rằng “từng bị đột quỵ rồi thì tầm soát làm gì?”. Bởi, theo thống kê, người có tiền sử từng bị đột quỵ sẽ có nguy cơ tái phát đột quỵ cao hơn nhiều so với người bình thường.

Những người có triệu chứng cơn thiếu máu não thoáng qua: tê yếu tay chân thoáng qua, nói khó, nói đớ nói ngọng thoáng qua, ngất xỉu mất ý thức thoáng qua sau đó phục hồi, tự nhiên co giật động kinh mất ý thức, đau đầu kéo dài kèm sụp mi, mờ mắt, đau đầu đột ngột dữ dội, nôn ói…

Những người bị tăng huyết áp, tiểu đường nhiều năm, có tiền sử bệnh lý tim mạch, béo phì, uống rượu lâu năm.

Có quan hệ gia đình có tiền căn đột quỵ như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột; những người hút thuốc lá lâu năm.

Tầm soát đột quỵ cần thực hiện những gì?

Khi tầm soát đột quỵ, người bệnh sẽ được thực hiện:

Chụp cộng hưởng từ (MRI 3 Tesla), siêu âm động mạch cảnh

Kiểm tra chức năng Tim: Siêu âm doppler Tim, Đo điện Tim

Xét nghiệm máu: Mỡ máu (Cholesterol toàn phần, Triglyceride, Cholesterol HDL, Cholesterol LDL), Tiểu đường (Glucose, HbA1c), Gout (Axit Uric), công thức máu ( Hồng cầu, tiểu cầu, Fibrinogen ).

Xét nghiệm chức năng thận: Phân tích nước tiểu, Creatinine, Ure

Xét nghiệm chức năng gan: Men gan GGT, tỉ lệ AST/ALT

Hormone kích thích tuyến giáp: FT3, FT4

Hormone kích thích tuyến yên: TSH

Siêu âm bụng: Kiểm tra gan, thận, tiền liệt tuyến…

Bao lâu tầm soát đột quỵ một lần?

Thời gian tầm soát đột quỵ tùy theo mỗi cá nhân. Sau khi khám với bác sĩ Thần kinh, qua các xét nghiệm bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp. Nếu kết quả chụp mạch máu não phát hiện hẹp hay phình thì cần theo dõi định kỳ, còn nếu bình thường thì sau 3 năm hoặc với người dưới 50 tuổi thì sau 5 năm mới cần tái khám.

Tóm lại, ở người khỏe mạnh, không cần theo dõi thường xuyên, có thể 5 năm/ lần. Những người có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao thì cần theo dõi thường xuyên.

Lưu ý, theo dõi chứ không phải tầm soát thường xuyên.

Ngoài ra, các chuyên gia về Thần kinh – Đột quỵ nhiều lần nhấn mạnh, khám tầm soát đột quỵ kết quả bình thường không có nghĩa là cho phép chúng ta chủ quan. Vì nếu bạn dưới 40 tuổi các kết quả khám bình thường, nhưng sau đó về “xả láng” ngày gói thuốc lá, rượu bia 5-7 lon thì nguy cơ đột quỵ sẽ còn gia tăng.

Tầm soát đột quỵ cần lưu ý những gì?

Trước khi tầm soát

Cần lưu lại một số thông tin về sức khỏe bản thân và tiền sử gia đình liên quan đến đột quỵ trước khi tới bệnh viện tầm soát: bạn đã/đang/từng bị bệnh gì, thuốc đã sử dụng, gia đình có ai bị đột quỵ/cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA),…

Mang tất cả các loại thuốc đang sử dụng như thuốc huyết áp, tiểu đường (nếu có). Và ngưng tất cả các thuốc đang sử dụng (thuốc tiểu đường, insulin…) vào sáng ngày lấy máu.

Nên nhịn ăn sáng trước khi làm các xét nghiệm đột quỵ ít nhất 8 tiếng đồng hồ, vì phải làm xét nghiệm máu hoặc chụp MRI có chất cản từ. Trong trường hợp nếu lỡ ăn sáng rồi thì có thể lấy máu sau 6 tiếng.

Hạn chế mặc quần áo có nút kim loại, hoặc đeo trang sức kim loại để tránh xét nghiệm nhầm lẫn và chèn hình.

Sau khi tầm soát

Bạn cầm kết quả lại phòng khám bác sĩ lúc đầu để nghe đọc kết quả, xem có nguy cơ gì không.

Nếu cần phải mua thuốc thì liên hệ quầy thuốc của bệnh viện để lấy thuốc và sau đó sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ.

Nếu không dấu hiệu nguy hiểm thì bạn có thể ra về.

Xem thêm: Tầm soát Đột quỵ S.I.S: Chủ động để không phải trời kêu ai nấy dạ

Chi phí tầm soát đột quỵ giao động khoảng bao nhiêu?

Chi phí tầm soát đột quỵ sẽ tùy mỗi cơ sở y tế, các xét nghiệm được chỉ định. Nếu gói tầm soát có chụp MRI 3 Tesla chi phí sẽ cao hơn, khoảng 8-10 triệu đồng; chụp MRI 1,5 Tesla khoảng 5-7 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu tính riêng lẻ từng khoản phí sẽ nằm trong khoảng sau:

Xét nghiệm máu khoảng 80.000 đồng

Xét nghiệm tiểu đường khoảng 150.000 đồng

Tầm soát bệnh lý thận khoảng 150.000 đồng

Tầm soát gout khoảng 40.000 đồng

Bệnh lý gan khoảng 90.000 đồng

Mỡ máu khoảng 140.000 đồng

Xét nghiệm nước tiểu khoảng 60.000 đồng

Siêu âm tổng quát khoảng 200.000 đồng

Tầm soát bệnh tim (ECG gắng sức) khoảng 400.000 đồng

Siêu âm doppler tim khoảng 300.000 đồng

Siêu âm doppler động mạch cảnh khoảng 300.000 đồng

MRI 3 Tesla khoảng 3,9 triệu đồng (có thuốc cản từ khoảng 5 triệu đồng)

MRI 1,5 Tesla khoảng trên 2 triệu đồng.

Bên cạnh việc tầm soát, mỗi người nên nắm được dấu hiệu nhận biết nhanh đột quỵ – F.A.S.T. Cụ thể:

Face: Khuôn mặt mất cân đối, hoặc méo xệ một bên

Arm: Yếu liệt cánh tay. Nói người bệnh dơ thử một tay lên cao, nếu tay tự rớt xuống, đó là dấu hiệu bất thường.

Speech: Gặp vấn đề về giọng nói

Time: Khi xuất hiện các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có cấp cứu đột quỵ gần nhất.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình

Phó ban AloBacsi Cộng đồng

  • Từ khóa:
Hướng dẫn hồi sức tim phổi cho người ngạt thở

Hướng dẫn hồi sức tim phổi cho người ngạt thở

Những kỹ năng sơ cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng đối với một người đang gặp nạn mà chưa có sự hỗ trợ kịp thời từ đội ngũ y tế. Đặc biệt là vấn đề sơ cứu hồi sức tim phổi đóng vai trò vô cùng quan trọng, là một trong các yếu tố quyết định sự thành công của một ca cấp cứu ngưng tim khi đưa người bệnh đến bệnh viện.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ