Cảnh báo: Gia tăng bệnh nhân đột quỵ não do trời lạnh đột ngột

Thời tiết chuyển lạnh đột ngột là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đột quỵ não tăng cao hơn.

09-12-2021 09:26
Theo dõi trên |

Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong những ngày gần đây, tỉ lệ bệnh nhân tai biến mạch máu não (đột quỵ) tăng mạnh, đa phần đều nhập viện trong tình trạng chuyển biến nặng.

Chỉ riêng trong ngày 4/12, ghi nhận tại Khoa Gây mê hồi sức tích cực có 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đột quỵ não rất nặng. Nguyên nhân do thay đổi thời tiết dẫn đến huyết áp không được kiểm soát, do thay đổi tư thế bất ngờ, do dị dạng mạch,…


Trời lạnh là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy gây ra đột quỵ, đặc biệt ở những người nguy cơ cao như lớn tuổi, bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, người hút thuốc lá, rượu bia thường xuyên (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, thời tiết chuyển lạnh đột ngột là một trong những yếu tố thúc đẩy nguy cơ đột quỵ não tăng cao. Theo thông tin đăng tải trên Trung tâm Y tế Mon Health (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã phát hiện tại nhiều khu vực trên thế giới khi nhiệt độ giảm xuống. Một nghiên cứu tại Đức cho thấy, những người có nguy cơ tim mạch cao thì nguy cơ đột quỵ tăng 30% khi thời tiết lạnh hơn.

Còn theo báo cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, mỗi năm đất nước này có hơn 800.000 người bị đột quỵ, số ca phổ biến hơn vào mùa đông. Nguyên nhân do thời tiết lạnh mạch máu có thể co và nhỏ lại, làm tăng huyết áp. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ. Nhiệt độ giảm cũng khiến máu dễ đông lại, dính hơn làm tăng khả năng hình thành cục máu đông gây cản trở lưu thông máu lên não, dẫn đến nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Đặc biệt, khi trời lạnh, một số người có thói quen ăn uống không kiểm soát, không xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, cùng với việc ít vận động hoặc vận động không đúng cách… làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Nhất là những người có bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch, có tiền sử đột quỵ hoặc có người thân bị đột quỵ cũng thuộc diện nguy cơ cao.

Phòng ngừa đột quỵ mùa lạnh, liệu có khó?

Các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thông tin, trong đột quỵ có 2 thể bao gồm nhồi máu não (hay còn gọi là tắc mạch) và xuất huyết não với biểu hiện chảy máu, vỡ mạch. Tùy thuộc vào thể và mức độ sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp.

Đối với bệnh nhân vỡ mạch, các bác sỹ sẽ tiến hành cầm máu, kiểm soát huyết áp, dinh dưỡng cho não, thuốc bổ trợ và can thiệp khi cần. Riêng đối với trường hợp tắc mạch máu lớn về lâu dài sẽ để lại di chứng nhiều hơn.

Một người có bị đột quỵ có một số biểu hiện đặc trưng như: mặt bị mất cân đối hoặc lệch; không điều khiển được cơ thể theo suy nghĩ, khó nói, không thể nói rõ từ; nhầm lẫn hoặc mất phương hướng; mất thị lực, chóng mặt đột ngột hoặc mất thăng bằng khi đi bộ…

Khi xuất hiện những dấu hiệu này, cần liên hệ ngay bác sĩ hoặc đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Cấp cứu, điều trị trong thời gian “vàng” để loại bỏ các tổn thương ở mạch máu, tăng tỷ lệ sống trong 3 giờ đầu sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khuyến cáo người dân hết sức thận trọng, đặc biệt là ở những người già yếu hoặc mắc các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường. Tuân thủ điều trị của bác sỹ, tuyệt đối không bỏ thuốc huyết áp, nên thay đổi tư thế một cách từ từ, vận động trước khi thay đổi và giữ ấm cơ thể khi ra ngoài.

Phương Nguyên

  • Từ khóa:
Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­ Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ