Căn bệnh ‘sát thủ’ – đột quỵ tim: Biết để cứu lấy chính mình
Đột quỵ tim (hay nhồi máu cơ tim) là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, cần được phát hiện và xử trí kịp thời. Dưới đây là những thông tin bổ ích đến từ ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường – Phó Trưởng khoa Nội tim mạch – BV Đa khoa Quốc S.I.S Cần Thơ, trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa đột quỵ tim.
Mục lục
Đột quỵ tim là tình trạng như thế nào?
Đột quỵ tim là tình trạng mạch máu tim bị tắc đột ngột khiến cho bệnh nhân bị đột quỵ. Đột quỵ tim và nhồi máu cơ tim là một thể.
Đột quỵ tim xảy ra do tình trạng tắc nghẽn mạch máu nuôi trái tim đột ngột khiến bệnh nhân đau ngực, khó thở, một số trường hợp ngất xỉu, ngưng tim ngay tại nhà.
Đột quỵ tim là một tình trạng rất nguy hiểm. Tương tự đột quỵ não, đột quỵ tim có thể cướp đi tính mạng của bệnh nhân bất cứ lúc nào một cách nhanh chóng. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời thì sẽ khó cứu được bệnh nhân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ đột quỵ tim
Nguyên nhân của đột quỵ tim chủ yếu do mạch máu nuôi trái tim bị tắc nghẽn đột ngột. Trái tim của chúng ta có 3 mạch máu lớn để nuôi tim. Các mạch máu lớn này có nhiệm vụ cung cấp máu cho tim, hoạt động giống như nguồn sống của cơ tim. Khi các mạch máu tim bị tắc nghẽn đột ngột, người bệnh bị đau ngực, có thể dẫn đến ngưng tim.
Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khác dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đột ngột là do chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, kém vận động. Những người bị tăng huyết áp, tiểu đường, điều trị kiểm soát không tốt thì sẽ dẫn đến các mạch máu tim bị xơ vữa, tắc nghẽn, hẹp dần và đến một lúc nào đó sẽ tắc nghẽn hoàn toàn.
Đó là những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở tim hay nhồi máu cơ tim cấp.
Làm sao nhận biết ai đó đang bị đột quỵ tim?
Để phát hiện nhồi máu cơ tim hay đột quỵ tim, biểu hiện trước mắt thường là bệnh nhân sẽ đột ngột đau ngực, cơn đau có thể lan ra tay hoặc lên cầm. Một số trường hợp hiếm bệnh nhân sẽ đau ở vùng thượng vị kèm với các dấu hiệu như tay chân lạnh, toát mồ hôi, bủn rủn tay chân.
Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể ngưng tim đột ngột khiến bệnh nhân ngất xỉu. Một số trường hợp bệnh nhân có thể ngưng tim tại nhà mà không cứu kịp, trong dân gian gọi trường hợp này là trúng gió, đó là một thể lâm sàng nặng của nhồi máu cơ tim cấp.
Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ tim trước 1 tháng
Một số trường hợp nhồi máu cơ tim hay đột quỵ tim có thể biểu hiện sớm trước đó một thời gian, có thể là 1 -2 tháng, tuỳ vào tình trạng lâm sàng. Biểu hiện sớm của đột quỵ tim là bệnh nhân sẽ bị đau ngực, khó thở khi gắng sức hoặc leo cầu thang.
Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng gì trước đó nhưng đến lúc mạch máu tim tắc đột ngột thì mới phát hiện bị đột quỵ tim. Thông thường, đột quỵ tim thường diễn tiến bất ngờ, đột ngột, bệnh nhân có thể rối loạn nhịp tim hoặc ngưng tim bất cứ lúc nào.
“Giờ vàng” cấp cứu và phương pháp điều trị đột quỵ tim
Tương tự đột quỵ não, khi bị đột quỵ tim, các mạch máu bị tắc nghẽn đột ngột thì các mạch máu nuôi trái tim không cung cấp máu cho cơ tim được. Khi đó, mỗi giây trôi qua sẽ có rất nhiều tế bào tim chết đi.
Theo đó, thời gian vàng của đột quỵ tim sẽ khoảng 12 tiếng, có những trường hợp có thể kéo dài lên 24 tiếng. Tuy nhiên, khi đã bị đột quỵ tim rồi, bệnh nhân cần đến bệnh viện để tái thông mạch máu càng sớm càng tốt thì tổn thương cơ tim mới giảm được, giúp giảm nguy cơ tử vong rất nhiều.
Chi phí cấp cứu, điều trị một ca đột quỵ tim là bao nhiêu?
Chi phí để điều trị một bệnh nhân nhồi máu cơ tim hay đột quỵ tim khá cao. Nếu trường hợp bệnh nhân chỉ điều trị nội khoa (uống thuốc và chích thuốc) thì chi phí chỉ tương đối nhưng nếu buộc phải sử dụng các kỹ thuật cao như can thiệp mạch máu để tái thông mạch máu thì chi phí có thể tăng lên 70 – 80 triệu, thậm chí 100 triệu.
Chi phí điều trị sẽ bao gồm chi phí thuốc men, những dụng cụ sẽ đưa vào mạch máu ở tim và chi phí cao nhất là ống stent mạch vành. Điều đáng mừng là bảo hiểm y tế đang hỗ trợ rất tốt trong vấn đề này.
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường – Phó Trưởng khoa Nội tim mạch – BV Đa khoa Quốc S.I.S Cần Thơ chia sẻ nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị đột quỵ tim.
Khả năng phục hồi sau đột quỵ tim
Trước đây, tiên lượng của những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ tim là rất nặng. Nếu không có các kỹ thuật cao để can thiệp và tái thông mạch máu thì tỷ lệ tử vong rất cao, có thể là 50%, thậm chí lên đến 80 – 90%. Tuy nhiên, khi kỹ thuật can thiệp được phát triển ở Việt Nam như hiện nay, nguy cơ tử vong ở bệnh nhân đột quỵ tim đã giảm đi khá nhiều, tỷ lệ phẫu thuật thành công có thể lên đến 80 – 90%. Song, đột quỵ tim có thể gây ra rối loạn nhịp tim, sốc tim, choáng tim, ngưng tim và một số trường hợp sau khi qua giai đoạn đột quỵ tim cấp sẽ bị suy tim trong tương lai.
Những yếu tố quyết định đến chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân đột quỵ tim chính là thời gian đến bệnh viện và tái thông mạch máu càng sớm càng tốt, đồng thời kết hợp với uống thuốc đầy đủ. Điều này sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tốt hơn rất nhiều so với những trường hợp không được can thiệp sớm.
Làm sao để hồi phục và cải thiện các di chứng?
Di chứng, hay còn gọi là hậu quả của đột quỵ tim, là tình trạng bệnh nhân hay bị mệt mỏi, thường khó thở, tim bị suy. Bệnh nhân có thể xuất hiện những tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm. Để khắc phục và điều trị những di chứng này, sau khi can thiệp tái thông mạch máu, bệnh nhân vẫn phải uống thuốc đều đặn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân phải kiểm soát được yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường hoặc rối loạn lipid máu. Theo đó, nếu bệnh nhân cần phải uống đủ đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ thì sẽ giảm được nguy cơ suy tim về sau.
Đột quỵ tim liệu có dễ tái phát không?
Cơ thể chúng ta có 3 mạch máu chính nuôi trái tim và chúng có thể tổn thương bất cứ lúc nào. Ví dụ, bệnh nhân bị hẹp một nhánh mạch vành thì sau đó vẫn có thể hẹp những nhánh còn lại. Một số trường hợp bệnh nhân bị tái hẹp ngay trên những mạch máu đã được tái thông.
Nếu chúng ta không uống thuốc để kiểm soát yếu tố nguy cơ, không có chế độ ăn uống phù hợp thì nguy cơ tái phát vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Như vậy, để giảm thiểu tình trạng tái phát, bắt buộc chúng ta phải xác định rõ mạch máu tim tổn thương mức độ như thế nào. Đồng thời, người bệnh phải uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Đảm bảo kiểm soát chặc chẽ các yếu tố nguy cơ chính, bao gồm: huyết áp (duy trì trong khoảng 120 – 130 mmHg), nhịp tim (50 – 80 nhịp trở lên), đường huyết và mỡ máu.
Đối với những trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ tim tái phát, tuỳ theo tình trạng lâm sàng và giải phẫu của bệnh nhân. Một số trường hợp có thể chữa được, tuy nhiên nếu bệnh nhân đã tái phát 1 – 2 lần thì khả năng thành công ở những lần sau sẽ thấp hơn, nguy cơ rủi ro cũng sẽ nhiều hơn so với lần đầu.
Phòng ngừa đột quỵ tim như thế nào?
Đối với người bình thường khoẻ mạnh, chúng ta cần có một lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu, bia, đặc biệt là không hút thuốc lá.
Đối với những bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, lipid máu thì phải kiểm soát huyết áp chặt chẽ, giữ cho đường huyết ổn định (khi đường huyết tăng quá cao, nguy cơ mạch máu bị xơ vữa, cứng, teo và hẹp sẽ cao hơn rất nhiều). Đặc biệt, đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ tim nên cần phải tầm soát đột quỵ bằng những phương pháp như siêu âm tim, đo điện tim. Những người có dấu hiệu nặng ngực, đau ngực có thể tầm soát sớm để phát hiện sớm bằng những biện pháp như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức hoặc chụp CT động mạch vành để xem mạch máu tim có nguy cơ bị đột quỵ hay không.
Đối với những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ tim, người bệnh cần phải ăn uống hợp lý, kiểm soát các yếu tố nguy cơ (tình trạng tăng huyết áp, đường huyết, lipid máu). Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên uống thuốc đều đặn, thường xuyên theo y lệnh của bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ tái phát và nguy cơ diễn tiến nặng.
Anh Thi
Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?
Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Đang dự hội thảo ở Nha Trang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh bất ngờ đột quỵ xuất huyết não
Đang tham dự hội thảo tại Nha Trang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh đột ngột đau đầu, lơ mơ, sau khi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa và được chẩn đoán xuất huyết não, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 thì chuyển vào Bệnh viện Chợ rẫy để điều trị.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim