Biến chứng xơ vữa động mạch nguy hiểm như thế nào?
Xơ vữa động mạch hiện đang là căn bệnh có nguy cơ tử vong hàng đầu do chế độ ăn và lối sống sinh hoạt thiếu khoa học. Xơ vữa động mạch nếu không được điều trị sớm sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Dưới đây là một số thông tin cụ thể về chiếc máy này.
Mục lục
1. Xơ vữa động mạch là gì?
Xơ vữa động mạch (Atherosclerosis) là tình trạng động mạch hình thành các mảng vữa và xơ cứng. Xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng đến hầu hết các động mạch trong cơ thể như các động mạch ở tim, não, cánh tay, chân, mạc treo và thận. Các bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong.
Quá trình hình thành mảng xơ vữa xảy ra khi thành động mạch bị tổn thương (do viêm, chấn thương, dị ứng, miễn dịch, gene…), các cholesterol tích tụ tập trung lại thành từng dải lipid. Tại đây, các tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu, quá trình đông máu, lắng đọng Ca++ tạo màng bao bọc mảng xơ vữa.
Khi lớp màng bọc mảng xơ vữa bị nứt vỡ sẽ kích hoạt quá trình đông máu, tạo thành cục máu đông. Cục máu đông này sẽ gây thiếu máu cấp tính các vị trí phía sau nơi nó gây tắc mạch, như: tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp tính, tắc động mạch não gây đột quỵ thiếu máu cục bộ (nhồi máu não), tắc động mạch chi dưới gây hoại tử chi dưới.
2. Xơ vữa động mạch có nguy hiểm?
Động mạch là mạch máu đưa máu từ tim đi khắp cơ thể; được lót bằng một lớp tế bào mỏng gọi là nội mô, cho phép máu chảy dễ dàng qua các động mạch. Khi lớp nội mô bị tổn thương do các yếu tố rủi ro như hút thuốc, lượng chất béo, cholesterol trong máu cao, sẽ tạo điều kiện cho các mảng bám tích tụ trong thành động mạch.
Theo thời gian, các mảng cứng lại, thu hẹp lỗ mở của các động mạch và hạn chế lưu lượng máu. Khi các mảng xơ vữa này vỡ ra sẽ tạo thành cục máu đông, làm hạn chế hơn nữa hoặc thậm chí chặn dòng máu mang oxy đến các cơ quan và bộ phận khác của cơ thể.
Xơ vữa động mạch thường không gây ra triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển. Lúc này, động mạch bị thu hẹp nghiêm trọng, dòng máu bị gián đoạn và không thể vận chuyển đến các cơ quan và mô. Nếu mảng xơ vữa động mạch bị vỡ và hình thành cục máu đông, có thể gây ra cơn đột quỵ tim hoặc đột quỵ não.
Ngoài ra, xơ vữa động mạch cũng có thể gây ra chứng phình động mạch ở bất kỳ đâu trong cơ thể. Hầu hết những người bị chứng phình động mạch không có triệu chứng, còn lại có thể bị đau và nhói ở vùng phình động mạch. Nếu phình động mạch vỡ, chảy máu bên trong sẽ đe dọa tính mạng người bệnh. Điều này thường xảy ra đột ngột nhưng có thể rò rỉ chậm. Nếu cục máu đông trong phình động mạch bị bong ra sẽ làm tắc nghẽn động mạch.
3. Xơ vữa động mạch hình thành từ khi nào?
Tỉ lệ bị xơ vữa động mạch liên quan trực tiếp đến tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy quá trình xơ vữa động mạch có thể xảy ra từ rất sớm trong những năm đầu tiên của đời người, thậm chí có nhiều nghiên cứu còn thấy hiện tượng xơ vữa động mạch xuất hiện ở ngay trong thời kỳ bào thai. Các tổn thương trung gian được hình thành vào những năm 30 của đời người và từ 40 tuổi đã hình thành các mảng xơ vữa thực sự và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim.
Từ 50 tuổi trở đi, quá trình xơ vữa động mạch tiếp tục tiến triển trở nên trầm trọng hơn và gây ra các biến chứng như bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh mạch máu não… Có tới 17% người dưới 20 tuổi bị xơ vữa động mạch, tỉ lệ này là 37% ở người có độ tuổi từ 20 – 29, 60% ở người có độ tuổi từ 30 – 39, 71% ở người có độ tuổi từ 40 – 49 và 85% ở người có độ tuổi từ 50 trở lên.
Tỷ lệ cholesterol trong máu cao cũng chính là nguyên nhân gây ra bệnh xơ vữa động mạch và tỷ lệ này cao chủ yếu là do chế độ ăn uống, ngoài ra còn phụ thuộc vào yếu tố di truyền. Một chế độ ăn giàu chất béo như người dân ở các nước phương Tây được cho là nguyên nhân hàng đầu làm hình thành mảng xơ vữa trong lòng động mạch.
Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có liên quan đến tỷ lệ cholesterol cao trong máu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh mỡ cao do di truyền. Bên cạnh đó, các yếu tố được cho là góp phần gây ra bệnh xơ vữa động mạch gồm có thừa cân, béo phì, lười vận động, thói quen hút thuốc lá, bị cao huyết áp.
Những yếu tố này khiến cholesterol xấu tích tụ trong lòng mạch máu, làm dày thành động mạch, đồng thời thu hẹp và cản trở sự lưu thông của mạch máu. Người trung niên, nam giới thường xuyên uống rượu bia, phụ nữ đến giai đoạn mãn kinh, người hay bị căng thẳng, stress là nhóm đối tượng có nguy cơ bị xơ vữa động mạch cao.
4. Xơ vữa động mạch thường xảy ra ở nhóm người nào?
Vì không có lý do cụ thể tại sao các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn bởi mảng xơ vữa, nên bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị xơ vữa động mạch.
Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh xơ vữa động mạch, như: Tiền sử gia đình bị xơ vữa động mạch hoặc các vấn đề tim mạch khác; người bị thừa cân, béo phì; có các tình trạng như cholesterol cao, đái tháo đường hoặc tăng huyết áp (làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim và tuần hoàn); uống quá nhiều rượu; tuổi cao, đặc biệt trên 65 tuổi; không có các hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên; sử dụng các sản phẩm thuốc lá, hít phải khói thuốc thụ động; không lành mạnh trong chế độ ăn uống hằng ngày.
Ngoài ra, những người từ 20 tuổi trở lên nên khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Các bài kiểm tra cần thực hiện, bao gồm: Kiểm tra huyết áp; tính chỉ số khối cơ thể; xét nghiệm máu: Cholesterol toàn phần, LDL-Cholesterol, HDL-Cholesterol, Triglyceride, Glucose, Axit uric,…
Xem thêm: Nhồi máu não do xơ vữa động mạch cảnh
5. Xơ vữa động mạch có những dấu hiệu nào đặc trưng?
Thường thì chỉ khi mảng xơ vữa gây hẹp lòng động mạch ở một mức độ nào đó mới gây ra triệu chứng. Trước đó, xơ vữa động mạch ít khi được chẩn đoán trừ khi khám sức khỏe vì một nguyên nhân bệnh lý khác.
Phụ thuộc vào vị trí động mạch bị xơ vữa mà nó có các biểu hiện như sau:
Xơ vữa động mạch não: Thường gặp là xơ vữa động mạch não giữa. Giai đoạn đầu thiếu máu não gây rối loạn chức năng hưng phấn và ức chế. Sau đó gây ra các cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Nặng nhất là tắc mạch não gây đột quỵ thiếu máu cục bộ. Đột quỵ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm tàn tật và tử vong.
Xơ vữa động mạch mắt: Thiếu máu nuôi võng mạc gây rối loạn thị lực, giảm thị lực và mù lòa.
Xơ vữa động mạch cảnh: Khi xơ vữa hẹp dưới 70% thường không gây triệu chứng. Khi hẹp 70-99% gây ra các triệu chứng thần kinh nặng nề.
Xơ vữa động mạch mạc treo tràng trên, mạc treo tràng dưới, động mạch thượng vị (các động mạch cung cấp máu cho ruột): Gây thiếu máu, loét, thủng, rối loạn chức năng vùng nuôi dưỡng tương ứng. Triệu chứng: đau dữ dội sau bữa ăn, sụt cân và tiêu chảy.
Xơ vữa động mạch thận: Gây hẹp động mạch thận. Ban đầu không có triệu chứng, khi bệnh nặng gây tăng huyết áp, cực kỳ mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sưng bàn tay hoặc chân. Ở bệnh nhân tăng huyết áp thường dẫn đến suy thận.
Xơ vữa động mạch vành: Thường động mạch vành trái xơ vữa nhiều hơn động mạch vành phải. Gây ra cơn đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Các triệu chứng thường gặp: đau thắt ngực, đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt, cực kỳ mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, buồn nôn.
Xơ vữa động mạch chủ: Gây phình hoặc phình bóc tách động mạch chủ. Nặng nhất là gây vỡ động mạch chủ dẫn đến tử vong.
Xơ vữa động mạch chi dưới: Gây cơn đau cách hồi, nhức, nặng và chuột rút ở chân khi đi bộ hoặc leo cầu thang. Nặng hơn gây hoại tử đầu chi.
6. Yếu tố di truyền có tác động thế nào đến việc hình thành xơ vữa động mạch?
Các nghiên cứu cho thấy xơ vữa động mạch là một bệnh “di truyền phức tạp” và chịu ảnh hưởng mạnh của yếu tố môi trường và sự tương tác giữa môi trường – gen. Các bệnh được gọi là “di truyền phức tạp” khi nó được gây ra bởi rất nhiều gen và không tuân theo quy luật di truyền Mendel.
Một điểm rất quan trọng là bản thân các yếu tố nguy cơ chính gây xơ vữa động mạch như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, cũng là các rối loạn có tính di truyền phức tạp. Tất cả các điều này làm tăng thêm bản chất phức tạp của bệnh lý xơ vữa động mạch.
Trong di truyền học, khả năng di truyền là một khái niệm cho thấy sự đóng góp của các yếu tố di truyền vào sự đa dạng của một tính trạng trong một quần thể nhất định.
Người ta đã xác định được khả năng di truyền của bệnh xơ vữa động mạch là khoảng 50%, điều này đã được xác định qua các nghiên cứu về các cặp song sinh. Nghiên cứu của Marienberg và cộng sự, theo dõi các cặp song sinh nữ cùng trứng và khác trứng, nhận thấy rằng nếu chị em sinh đôi của họ từng bị nhồi máu cơ tim trước 55 tuổi, thì nguy cơ nhồi máu cơ tim của người kia tăng gấp 3 lần ở các cặp song sinh khác trứng (có chung 50% cấu trúc di truyền) và tăng 15 lần ở các cặp song sinh cùng trứng (có chung 100% cấu trúc di truyền). Nghiên cứu cũng cho thấy, tác động của yếu tố di truyền đối với nguy cơ bị nhồi máu cơ tim giảm dần theo tuổi.
Xơ vữa động mạch có thể xảy ra ở các hệ mạch máu khác nhau dẫn đến 3 loại bệnh chính: bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi, đột quỵ não. Cho đến nay, bệnh động mạch vành được nghiên cứu nhiều nhất.
Một nghiên cứu lớn về bệnh động mạch vành với 22.233 trường hợp mắc bệnh và 64.762 người ở nhóm chứng đã tìm ra 46 locus gen cho bệnh động mạch vành. Với bệnh động mạch ngoại vi, các nghiên cứu chỉ xác định được chắc chắn một locus duy nhất trên nhiễm sắc thể Chr9p21, locus này cũng thấy ở người bệnh động mạch vành và đột quỵ.
Đối với đột quỵ, đã xác định được 3 locus trong bộ nhiễm sắc thể chịu trách nhiệm cho các dạng đột quỵ thiếu máu khác nhau theo sinh lý bệnh. Một trong các locus liên quan đến đột quỵ là HDAC9 (Histone Deacetylase 9), locus này cũng có liên quan với bệnh động mạch vành.
Tóm lại, các loại bệnh xơ vữa động mạch khác nhau có những biến dị di truyền chung và có những yếu tố di truyền đặc trưng riêng.
7. Bệnh động mạch vành nếu không điều trị có thể gây biến chứng gì?
Bệnh động mạch vành
Động mạch vành cung cấp máu cho tim. Khi các động mạch chính bị xơ vữa, điều này dẫn đến bệnh động mạch vành (CAD) hoặc đau thắt ngực. Một số biểu hiện có thể nhận diện, như: đau ngực, nôn mửa, lo lắng tột độ, ho, ngất xỉu. Bệnh động mạch vành có thể gây ra cơn đau tim. Nếu một hoặc nhiều động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn, dòng máu đến tim có thể chậm lại hoặc ngừng hẳn, người bệnh có nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Nếu mảng bám hình thành trong các động mạch rất nhỏ của tim sẽ gây ra bệnh vi mạch vành. Đau thắt ngực vi mạch có thể gây đau ngực ngay cả khi các kiểm tra không cho thấy bất kỳ dấu hiệu tắc nghẽn nào ở các động mạch lớn hơn.
Bệnh động mạch cảnh
Động mạch cảnh (ở cổ) cung cấp máu cho não. Khi các động mạch ở cổ bị hẹp hoặc tắc nghẽn, máu lưu thông lên não chậm lại hoặc ngừng hẳn. Một mảnh mảng bám có thể vỡ ra, di chuyển qua các động mạch đến não, làm tắc nghẽn các mạch máu trong não và gây ra cơn đột quỵ hoặc cơn đột quỵ nhỏ (TIA). Các triệu chứng của đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột, bao gồm: khó thở, đau đầu, tê mặt, bại liệt. Nếu một người có dấu hiệu đột quỵ thì cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Những động mạch này cung cấp máu cho cánh tay, chân và xương chậu. Nếu các động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn, có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên (PAD), đau cơ do chuột rút khi đi bộ hoặc khi tập thể dục. Trong trường hợp nghiêm trọng, mô chết và hoại tử có thể xảy ra. Bệnh động mạch ngoại biên cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.
Đau ở chân thường là dấu hiệu đầu tiên của PAD, nhưng PAD có thể xảy ra ở những nơi khác trong cơ thể. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các động mạch cung cấp máu cho thận hoặc dạ dày, làm tăng nguy cơ tổn thương nội tạng.
Bệnh thận mạn tính
Thận được cung cấp máu thông qua động mạch thận. Do đó, bệnh thận mạn tính có thể phát triển hơn nếu nguồn cung cấp máu bị hạn chế. Người bị tắc nghẽn động mạch thận nặng sẽ gây ra bệnh thận mạn tính. Một số triệu chứng như: ăn mất ngon, khó tập trung, sưng tay và phù chân.
Phình tách động mạch chủ
Xơ vữa động mạch có thể gây ra chứng phình động mạch (chỗ phình ra ở vùng bị suy yếu của thành động mạch). Người bệnh có nguy cơ tử vong cao khi phình động mạch lớn nhất (động mạch chủ) vỡ ra.
8. Làm sao để chẩn đoán xơ vữa động mạch?
Để chẩn đoán xơ vữa động mạch, cần kiểm tra kết quả xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác. Đồng thời, khai thác tiền sử gia đình và tình trạng sức khỏe hiện có của người bệnh.
Tùy vào vị trí nghi ngờ xơ vữa động mạch và từng đối tượng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được sử dụng như:
Xét nghiệm máu: Kiểm tra mức cholesterol, triglyceride, đường huyết, protein phản ứng C,…
Chẩn đoán xơ vữa động mạch não: Siêu âm xuyên sọ, chụp động mạch não, chụp CT Scan não, chụp MRI não.
Chẩn đoán xơ vữa động mạch mắt: Soi đáy mắt trực tiếp hoặc gián tiếp.
Chẩn đoán xơ vữa động mạch cảnh: Siêu âm Doppler màu động mạch cảnh, chụp CT mạch máu có cản quang.
Chẩn đoán xơ vữa động mạch thận: Siêu âm Doppler, chụp động mạch thận cản quang.
Chẩn đoán xơ vữa động mạch vành: Điện tâm đồ (thường, gắng sức, holter 24h…), siêu âm tim, chụp động mạch vành.
Chẩn đoán xơ vữa động mạch chủ: Chụp X-quang cản quang, chụp MRI, siêu âm mạch máu.
Chẩn đoán xơ vữa động mạch ngoại vi: Siêu âm Doppler màu mạch máu chi dưới, chụp động mạch cản quang, kiểm tra chỉ số mắt cá nhân – cánh tay (ABI).
Xem thêm: Đột quỵ do xơ vữa động mạch, làm thế nào để phòng ngừa?
9. Có những phương pháp nào để điều trị xơ vữa động mạch?
Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch chưa rõ ràng. Chính vì vậy cho đến nay vẫn chưa có cách để điều trị khỏi được tình trạng này.
Việc điều trị chỉ giúp làm chậm diễn tiến xơ vữa động mạch, làm chậm quá trình xuất hiện biến chứng và hạn chế các tổn thương do biến chứng gây ra.
Điều trị xơ vữa động mạch bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và thực hiện các kỹ thuật can thiệp. Tùy vào từng cá nhân và mức độ xơ vữa động mạch mà kết hợp các phương pháp điều trị với nhau.
Thay đổi lối sống: Bỏ thuốc lá; kiêng rượu bia; có chế độ ăn lành mạnh để giảm cholesterol máu, huyết áp và đường huyết: Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung; tập thể dục thường xuyên: Tập ít nhất 30 phút mỗi ngày với các hoạt động thể chất vừa phải, hoặc 15 phút mỗi ngày với các hoạt động thể chất cường độ cao. Tập ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
Sử dụng thuốc: Thuốc hạ mỡ máu: Giảm quá trình hình thành mảng xơ vữa; thuốc giãn mạch: Để bảo vệ thành mạch, ổn định mảng xơ vữa, chống quá trình tái cấu trúc thành động mạch; thuốc ức chế tập kết tiểu cầu: Để dự phòng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não; thuốc y học cổ truyền.
Can thiệp ngoại khoa: Đặt stent nong động mạch bị hẹp; đặt cầu nối bypass (phẫu thuật bắc cầu động mạch vành); lấy bỏ mảng vữa xơ; cắt cụt chi hoại tử do thiếu máu; phẫu thuật điều trị phình bóc tách động mạch chủ.
Đặc biệt quan trọng: Cần điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc yêu cầu phải dùng hàng ngày, kéo dài thì không được tự ý ngưng sử dụng để tránh các biến chứng của xơ vữa động mạch.
10. Phòng ngừa xơ vữa động mạch bằng cách nào?
Phòng ngừa xơ vữa động mạch bằng cách kiểm soát các yếu tố rủi ro để ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tích tụ mảng bám.
Cụ thể, không hút thuốc, tránh khói thuốc thụ động; hạn chế uống nhiều rượu; có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh; tăng cường tập thể dục; giảm cân nếu bị thừa cân béo phì; học cách quản lý các tình trạng gây căng thẳng trong cuộc sống; ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng mỗi ngày; điều trị tích cực các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình
Phó ban AloBacsi Cộng đồng
- Từ khóa:
Bài toán “điểm nghẽn” cấp cứu đột quỵ trước viện ở khu vực phía Bắc
PGS.TS.BS Mai Duy Tôn nhấn mạnh, mặc dù mạng lưới điều trị đột quỵ tại miền Bắc đang có bước phát triển mạnh, nhiều trung tâm, khoa, đơn vị đột quỵ được thành lập nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, đặc biệt là cấp cứu trước viện, đào tạo nhân lực và hành lang pháp lý.
Multimedia
Theo dõi trên:Video
Phân biệt các loại nhức đầu thường gặp
Nhức đầu là triệu chứng phổ biến, dấu hiệu này có thể cảnh báo cho rất nhiều tình trạng bệnh lý. Trong bài viết dưới đây, GS.TS.BS Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney sẽ chia sẻ về những loại đau đầu thường gặp, cũng như cách nhận biết và điều trị tình trạng này.
-
7 tình huống khiến đường huyết tăng vọt có thể bạn chưa biết
-
Người tiểu đường tập thể dục lúc nào trong ngày tốt nhất?
-
Món ăn vặt giúp kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch
-
8 cách cải thiện trí nhớ sau đột quỵ
-
Những bất thường khi làm “chuyện ấy” có thể báo hiệu bệnh tiểu đường
-
6 thực phẩm giúp ‘quét sạch’ mỡ máu, hỗ trợ sức khỏe tim