Bị đột quỵ, đến bệnh viện nào, cung cấp những thông tin gì?

Nếu chẳng may người nhà bị đột quỵ hoặc gặp người nào đó có dấu hiệu đột quỵ thì nên đưa đến bệnh viện nào? Khi đến bệnh viện thì cần cung cấp những thông tin gì? Xin cảm ơn. (Thành Nam)

22-12-2021 15:58
Theo dõi trên |


Khi có người bị đột quỵ, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu (Ảnh minh họa)

Bạn thân mến,

Khi người thân hoặc gặp người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như méo miệng, liệt mặt, yếu liệt một bên tay chân, nói đớ, nói ngọng, đau đầu dữ dội, chóng mặt… hãy nhanh chóng gọi ngay cấp cứu để được đưa đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, can thiệp, điều trị đột quỵ gần nhất.

Theo Thầy thuốc Nhân dân.GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm đột quỵ – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện cấp cứu đột quỵ yêu cầu phải có đầy đủ trang thiết bị như máy chụp CT, MRI… và đội ngũ nhân viên hồi sức cấp cứu, bác sĩ thần kinh mạch máu.

Vị chuyên gia cho rằng, hiện có khoảng 84% các cơ sở y tế tuyến quận trở lên ở Việt Nam đều có máy chụp quét CT giúp xác định đột quỵ xuất huyết hay nhồi máu não. Tuy nhiên, nếu bệnh viện tỉnh hoặc huyện nếu có đầy đủ trang thiết bị vẫn có khả năng cấp cứu đột quỵ.

Thông thường, khi đến bệnh viện, nếu cơ sở có khả năng chẩn đoán, cấp cứu đột quỵ thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm các xét nghiệm thông thường như xét nghiệm máu, công thức máu, đường máu,… Sau đó đưa đi chụp CT để loại trừ xuất huyết não hoặc nhồi máu não/tắc mạch não để có phương pháp điều trị thích hợp cho từng loại.

Hiện nay, trong giai đoạn đầu cấp cứu đột quỵ thiếu máu não/tắc mạch não thì rất cần thời gian vàng để điều trị đó là từ 3 – 4,5 giờ. Bác sĩ có thể sử dụng thuốc tiêu khối để tiêu cục máu đông, nhưng ngoài khung giờ trên thì không thể thực hiện bằng biện pháp này. Đối với trường hợp tắc mạch lớn trong sọ, bác sĩ sẽ dùng phương pháp can thiệp lấy huyết khối, thời gian vàng là 6 giờ.

Trong lúc này, người nhà nên cung cấp cho các bác sĩ thời gian bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ trong khung giờ nào, để bác sĩ xác định từ lúc bệnh nhân khởi phát triệu chứng đến khi được điều trị là bao lâu. Ngoài ra, cần cung cấp tiền sử cá nhân như bệnh nhân có nghiện rượu không, có hút thuốc lá hay tăng huyết áp,… để không mất thời gian thực hiện xét nghiệm khác.

Ở những cơ sở có điều kiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị đột quỵ thì đội ngũ y bác sĩ sẽ xử trí từ đầu đến cuối, nên người nhà có thể hoàn toàn yên tâm. Điều quan trọng là phải nhận diện đúng dấu hiệu đột quỵ để đưa người bệnh đến cơ sở điều trị nhanh nhất, tiết kiệm thời gian để cứu não cho người bệnh.

Trân trọng!

  • Từ khóa:
Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao liệu có thể phòng tránh?

Đột tử khi chơi thể thao là vấn đề đang được quan tâm khi ngày càng có nhiều trường hợp đột tử tại các giải thi đấu, đặc biệt là marathon. Vậy đột tử khi chơi thể thao có phòng ngừa được không? Câu trả lời sẽ được TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­ Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM giải đáp trong video dưới đây.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ