Bệnh tim mạch chuyển hóa là bệnh gì, có gây đột quỵ không?

Cái tên “bệnh tim mạch chuyển hóa”, có vẻ hơi xa lạ với một số người. BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải thích đây là bệnh gì, điều trị ở đâu và bệnh tim mạch chuyển hóa có gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim không…

03-01-2023 23:50
Theo dõi trên |

1. Bệnh tim mạch chuyển hóa là bệnh gì?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Bệnh tim mạch chuyển hóa là một thuật ngữ dùng để chỉ những rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến hệ tim mạch.

Rối loạn chuyển hóa không phải là một bệnh lý cụ thể mà là tập hợp một loạt các yếu tố nguy cơ có liên quan đến khả năng phát triển bệnh lý tim mạch và bệnh đái tháo đường típ 2, còn được gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) mô tả hội chứng rối loạn chuyển hóa là một “nhóm các rối loạn chuyển hóa”, bao gồm tăng huyết áp, lượng đường trong máu lúc đói cao, đề kháng insulin, rối loạn lipid máu, thừa cân – béo phì (đặc biệt là béo bụng), kết hợp lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Những rối loạn này có thể xảy ra đồng thời với các bệnh lý tim mạch hoặc trở thành những yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

>> Xem thêm: Những điều cần biết về bệnh tim mạch

2  Độ tuổi nào mọi người sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch chuyển hóa?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Một trong các yếu tố nguy cơ không thể tránh khỏi làm tăng nguy cơ phát trển bệnh tim mạch chuyển hóa là tuổi, bên cạnh yếu tố tiền căn gia đình và sắc tộc.

Mốc tuổi 60 là mốc tuổi đáng chú ý vì sau độ tuổi này, nguy cơ bệnh tim mạch chuyển hóa tăng lên đáng kể. Theo ước tính ở người trên 60 tuổi, cứ 2 người sẽ có 1 người bị tăng huyết áp, với tỉ lệ lớn hơn 50%.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ghi nhận độ tuổi mắc bệnh tim mạch chuyển hóa đang ngày càng trẻ hóa, tỉ lệ bệnh tim mạch bắt đầu gia tăng ở độ tuổi 30 – 45. Điều đó cho thấy đây không còn là bệnh của người cao tuổi nữa. Chính lối sống cũng như những thói quen có hại cho sức khỏe tim mạch (lười vận động, chế độ ăn không lành mạnh, bia rượu, stress…) là nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh tim mạch chuyển hóa tăng đều mỗi năm.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương chia sẻ về bệnh tim mạch chuyển hóa và cách phòng tránhBS.CK1 Cao Thị Lan Hương chia sẻ với bạn đọc Benhdotquy.net về bệnh tim mạch chuyển hóa và cách phòng tránh

3. Bệnh tim mạch chuyển hóa có thể dẫn đến biến chứng gì?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trên thực tế, các bệnh lý tim mạch chuyển hóa thường không có triệu chứng điển hình và rất dễ bị bỏ qua. Và một người càng mắc nhiều thể rối loạn chuyển hóa thì nguy cơ dẫn đến các biến cố trên tim mạch càng lớn, các bệnh lý này thường đi cùng với nhau, thúc đẩy nhau tiến triển và làm nguy cơ biến chứng tăng theo cấp số nhân.

Những biến chứng đáng ngại nhất của bệnh tim mạch chuyển hóa là đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ tim.

4. Bệnh tim mạch chuyển hóa khi chưa có biến cố tim mạch thì điều trị ở chuyên khoa nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Các rối loạn chuyển hóa chưa phát triển thành bệnh tim mạch, chưa có biến cố tim mạch thì có thể điều trị ở một số chuyên khoa khác ngoài chuyên khoa tim mạch như chuyên khoa nội tiết (đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng acid uric máu chưa có biến chứng khớp, thận…), hay chuyên khoa dinh dưỡng (béo phì nặng hay người bệnh thừa cân – béo phì có yêu cầu hỗ trợ tư vấn dinh dưỡng).

Các bác sĩ tại các chuyên khoa này cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân tầm soát bệnh lý tim mạch mỗi 6 tháng – 1 năm tùy mức độ nguy cơ.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh viện đã thành lập khoa tim mạch – chuyển hóa, để chuyên điều trị bệnh tim mạch chuyển hóa và cả các rối loạn chuyển hóa chưa có biến cố tim mạch.

5. Bệnh tim mạch chuyển hóa nào có thể khiến cho người bệnh bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Tất cả các bệnh tim mạch chuyển hóa đều hướng đến con đường cuối cùng là hình thành mảng xơ vữa động mạch và từ đó đều có thể dẫn đến biến cố nặng nề nhất chính là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

>> Xem thêm: Những dấu hiệu đột quỵ bạn không nên bỏ qua

6. Việc điều trị bệnh tim mạch chuyển hóa thường gặp phải những khó khăn gì?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trên thực tế thì bác sĩ rất “quen” với việc một bệnh nhân tim mạch mang cùng lúc nhiều rối loạn chuyển hóa, ví dụ như việc một bệnh nhân vừa có tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu là chuyện hết sức thường gặp.

Những khó khăn trong quá trình điều trị những bệnh nhân có bệnh tim mạch chuyển hóa không phải đến từ việc kê thuốc, mà nằm ở việc phát hiện sớm và việc bệnh nhân thay đổi lối sống để tuân thủ điều trị.

Các bệnh lý tim mạch chuyển hóa thường không có triệu chứng điển hình và rất dễ bị bỏ qua. Đó là nguyên nhân mà ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh tim mạch chuyển hóa, và có nhiều trường hợp lúc phát hiện bệnh cũng là do bệnh đã sinh ra biến chứng (đột quỵ, nhồi máu cơ tim).

Khi đã xuất hiện biến chứng tim mạch thì việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn do di chứng để lại (như liệt nửa người, sẹo trên tim…).

Bên cạnh đó, quá trình bệnh nhân bệnh tim mạch chuyển hóa thay đổi lối sống không phải là ngày 1 ngày 2. Quá trình này đòi hỏi sự cố gắng và kiên trì của bệnh nhân rất nhiều, từ thay đổi thói quen ăn uống, cai thuốc lá, kiêng rượu bia, điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt – làm việc, sắp xếp thời gian tập thể dục thể thao, giảm cân, giảm stress, vượt qua cảm giác mình là người bị bệnh và phải uống nhiều thuốc… sẽ gặp rất nhiều rào cản từ chính bản thân người bệnh lẫn tác động bên ngoài (chủ yếu đến từ tính chất công việc).

7. Khi bệnh nhân đã điều trị ổn bệnh chuyển hóa thì biến chứng tim mạch có phục hồi không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Khi bệnh tim mạch chuyển hóa chưa phát ra biến chứng tim mạch quá nghiêm trọng, như đột tử, đột quỵ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, thì hầu hết các biến chứng tim mạch đều sẽ cải thiện đáng kể, có trường hợp phục hồi hoàn toàn.

Một bệnh nhân vừa có béo phì – tăng huyết áp – đái tháo đường – rối loạn lipid máu mà nếu giảm được cân về cân nặng tiêu chuẩn, cai thuốc lá nếu có hút, duy trì chế độ ăn uống – tập luyện “chuẩn” thì huyết áp – đường huyết – mỡ máu sẽ dần ổn định, số thuốc uống và liều thuốc giảm đáng kể, mảng xơ vữa mạch máu sẽ dần được “dọn sạch” và nguy cơ đột quỵ – nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm xuống đáng kể.

8 Bệnh tim mạch chuyển hóa được phòng ngừa bằng cách nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Bệnh tim mạch chuyển hóa là bện hoàn toàn có thể phòng ngừa, cách phòng ngừa chính là thực hành những thói quen tốt cho tim mạch:

– Ngưng hút thuốc lá, tránh hút thuốc lá thụ động

– Thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 – 45 phút mỗi ngày, các ngày trong tuần. Có thể đi bộ, chạy bộ, chạy xe đạp, bơi lội, đánh cầu lông, bóng bàn, đánh golf, tập yoga, thể dục nhịp điệu, thiền,.. tùy theo tình trạng sức khỏe mỗi người;

– Tránh căng thẳng trong cuộc sống và công việc.

– Giảm cân nếu dư cân, béo phì (khi BMI >23): đặt mục tiêu giảm từ 5% đến 7% cân nặng trong vòng mỗi 6 tháng đến khi đạt cân nặng lý tưởng (BMI từ 18 – 22)

– Chế độ ăn tốt cho tim mạch:

+ Ăn ít chất béo, thịt mỡ, chất bột đường, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, hạn chế muối, giảm rượu bia.

+ Nên ăn cá, thịt gia cầm; nên ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt, thực phẩm tươi sống, organic.

+ Tầm soát bệnh lý tim mạch định kỳ mỗi năm từ năm 20 tuổi.

Benhdotquy.net

 

 

Quảng cáo
Chứng thiếu ngủ trong xã hội hiện đại

Chứng thiếu ngủ trong xã hội hiện đại

Ngủ là một nhu cầu thiết yếu của cơ thể. Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, mất ngủ đang trở thành vấn đề lớn với cộng đồng do nhiều nguyên nhân từ sinh hoạt, công việc,… Mất ngủ thời gian dài có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và gây ra một số bệnh mạn tính cho người bệnh, trong đó, có đột quỵ.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ