Quảng Ninh: Bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ não khi đang đi trên đường

Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ não. Người đàn ông 32 tuổi, mất thị lực đột ngột rồi nhanh chóng bình thường trở lại, vài ngày sau thì đột quỵ não.

20-01-2022 16:53
Theo dõi trên |

Hình ảnh chụp sọ não bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy thông tin, trước nhập viện 30 phút, bệnh nhân Đ.V.D. (32 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, liệt hoàn toàn nửa người phải, không nói được khi đang đi trên đường. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu.

Ngay khi tiếp nhận thăm khám, nhận thấy tình trạng bệnh nhân liệt nửa người phải, thất ngôn, kết quả chụp CT não không thấy tổn thương do xuất huyết não. Các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhân bị nhồi máu não cấp giờ đầu, khởi động quy trình điều trị bệnh nhân đột quỵ não cấp, xử trí dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân.

Sau tiêm thuốc 30 phút, cơ lực của bệnh nhân cải thiện, tỉnh táo trở lại, nửa người phải dần cử động được. Sau điều trị phục hồi chức năng 3 ngày, bệnh nhân đã phục hồi, nói chuyện, đi lại được.

Bệnh nhân chia sẻ: Thời gian gần đây, bệnh nhân đã có biểu hiện mất thị lực đột ngột nhưng ngay sau đó bình thường trở lại nên chủ quan không đến bệnh viện khám.

BSCKI. Nguyễn Ngọc Tuyền, Khoa Hồi sức tích cực cho biết: Đây là một trong những ca bệnh khá trẻ tuổi bị đột quỵ não bệnh viện tiếp nhận trong thời gian gần đây. Đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ người trẻ bị tai biến chiếm từ 25 – 30% trong tổng số những ca bệnh tai biến mạch máu não, một con số đáng báo động trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Bệnh nhân trên may mắn đến viện sớm ngay trong giờ đầu tiên khởi phát đột quỵ, nên khả năng phục hồi cao.

Người trẻ chớ nên chủ quan với đột quỵ

Theo bác sĩ, có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ gồm bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ.

Các dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ kéo đến gồm: Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; đột ngột đau đầu dữ dội;đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể – nửa người); đột ngột không nói đượ c, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

Các bác sĩ khuyến cáo người trẻ không nên chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Nên tạo nếp sống lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, bỏ thuốc lá,  có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động lành mạnh, hạn chế stress, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe.

Khi đột ngột có những dấu hiệu như méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… cần đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất (dưới 4,5 tiếng) để có thể sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết. Tuyệt đối không mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian để điều trị tại nhà.

T.N

Chuyên gia cảnh báo trước tình trạng tài xế đột quỵ liên tiếp xảy ra

Chuyên gia cảnh báo trước tình trạng tài xế đột quỵ liên tiếp xảy ra

Liên tiếp các trường hợp tài xế bị đột quỵ xảy ra, đặc biệt trong đó 2 trường hợp tài xế đột quỵ trong ngày 30/11 vừa qua khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Trong bài viết dưới đây, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sẽ giải thích rõ nguyên nhân gây đột quỵ ở tài xế và cách phòng tránh đột quỵ ở nhóm người này.

Chăm sóc đột quỵ

Dấu hiệu đột quỵ

Tầm soát đột quỵ