Người nhà cho biết trước đó bé theo anh trai 9 tuổi ra sân bóng gần nhà chơi. Trong khi anh trai đang đá banh cùng nhóm bạn, bé một mình chạy nhảy ở cuối sân. Một lúc sau, anh trai phát hiện em gục tại chỗ nên hô hoán, mọi người hỗ trợ chuyển đi cơ sở y tế để cấp cứu.
Thời điểm bé gặp nạn, thời tiết tại địa phương khoảng 13-14 độ C, gió rét.
Làm sao để giữ ấm đúng cách cho trẻ khi trời lạnh?
Với trẻ em, đặc biệt là bé nhỏ dưới 6 tuổi, việc giữ ấm trong mùa lạnh rất quan trọng, đề phòng những sự cố đáng tiếc (Ảnh minh họa)
Những ngày gần đây, thời tiết miền Bắc rét đậm, rét hại kèm theo mưa nhỏ nên nếu phụ huynh không chú ý chăm sóc kỹ lưỡng, trẻ sẽ rất dễ đổ bệnh, thậm chí phải nhập viện.
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với điều kiện thời tiết rét đậm như hiện nay, việc giữ ấm cơ thể, hạn chế cho trẻ ra ngoài trời, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tuổi đặc biệt quan trọng. Ngay cả việc giữ ấm cho trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần phải đặc biệt lưu ý, bởi đôi khi quá lo lắng, giữ ấm sai cách cũng khiến trẻ bị ảnh hưởng.
Nguyên tắc của việc mặc giữ ấm là mặc quần áo thành nhiều lớp, nhiều lớp mỏng tốt hơn một lớp dày. Khi đó, cơ thể sẽ tạo ra nhiều lớp giữ nhiệt và hạn chết mất nhiệt ra ngoài môi trường. Riêng trẻ em cần mặc nhiều hơn một lớp quần áo so với người lớn trong cùng một điều kiện thời tiết.
Thông thường, lớp áo trong cùng là lớp quan trọng nhất, tạo lớp giữ nhiệt đầu tiên cho cơ thể. Phụ huynh nên chọn những cỡ quần áo vừa khít với cơ thể con, mềm mại như chất liệu len, tránh các loại bông hay cotton.
Lớp áo tiếp theo là lớp cách nhiệt, giữ ấm. Bạn có thể chọn các loại sản phẩm từ len tự nhiên hoặc len tổng hợp. Còn lớp ngoài để giữ an toàn cho trẻ và giúp các lớp bên trong tránh khỏi gió, nước. Nên chọn các loại nhẹ, bền, mềm mại để giúp trẻ có thể dễ dàng di chuyển.
Ngoài ra, trẻ cần trang bị đầy đủ mũ, găng tay, tất để giữ ấm, nhất là phần đầu, tai, tay, chân là những bộ phân cơ thể thường xuyên tiếp xúc trực tiếp ra ngoài không khí.
Tùy theo tình trạng thời tiết, nhiệt độ để mặc bao nhiêu lớp áo cho trẻ. Nếu mặc tất cả các lớp vào, có thể dẫn đến trẻ đổ mồ hôi, khiến lạnh hơn và mất nước gây khó chịu.
Thường xuyên kiểm tra lưng, hay mồ hôi ở trẻ. Nếu trẻ vận động nhiều, hay chơi trò chơi ngoài trời, chúng ta có thể cởi bỏ một hoặc lớp ra để trẻ không quá nóng khi vận động. Luôn dự phòng túi đựng đựng mũ, găng tay, chân cho trẻ.
Để giữ ấm cho trẻ, PGS Nguyễn Tiến Dũng khuyên các mẹ cần đặc biệt lưu ý đến những “vị trí vàng” trên cơ thể trẻ. Theo đó, ngoài các vùng như mũi, miệng, cổ thì các vị trí khác cần phải giữ ấm cho trẻ là bụng, tay, chân và lưng. Đây là các vị trí quan trọng cần được giữ ấm bởi nếu bố mẹ chỉ chăm chăm bịt khẩu trang hay quàng khăn kín cổ cho con mà để hở phần bụng, bàn chân hay bàn tay thì trẻ vẫn có nguy cơ bị nhiễm lạnh.
Minh Anh